Tóm tắt:

Công khai trong hoạt động đào tạo đối với người học, nhà tuyển dụng và xã hội là vấn đề đã được các cơ quan quản lý, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đặc biệt quan tâm trong nhiều năm qua. Đối với người học và nhà tuyển dụng, các thông tin công khai điều kiện đào tạo là cơ sở để tìm hiểu, so sánh, chọn lựa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có chất lượng, phù hợp với mục tiêu học tập, tuyển dụng khi đăng ký học tập đối với người học cũng như hợp tác đào tạo, tuyển dụng đối với các doanh nghiệp.

Từ hoạt động công khai nhằm hướng đến xây dựng hệ thống  bảo đảmchất lượng bên trong, mỗi cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tuyên bố mục tiêu chất lượng, lựa chọn các chỉ số thực hiện/hoạt động; bổ sung mục tiêu chất lượng và chỉ số hoạt động bên ngoài; lựa chọn các công cụ mà cơ sở giáo dục nghề nghiệp sử dụng để thu thập thông tin và xác định các đơn vị đo lường; xây dựng các kết quả mục tiêu; lập kế hoạch thực hiện cho hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong; mô tả mỗi hành động sẽ được thực hiện, ai chịu trách nhiệm, đo lường cái gì; đo lường, phân tích kết quả và đề xuất điều chỉnh nếu cần thiết; thường xuyên xem xét lại hệ thống  bảo đảmchất lượng bên trong.

1. Đặt vấn đề

Công khai các điều kiện bảo đảmchất lượng Giáo dục nghề nghiệp là vấn đề hết sức quan trọng nhằm đảm bảo cơ sở giáo dục nghề nghiệp đó được các cơ quan quản lý chấp nhận hoạt động và xã hội thừa nhận. Căn cứ vào các điều kiện công khai, người học có thể tìm hiểu từng cơ sở giáo dục nghề nghiệp về hoặt động đào tạo có phù hợp với nhu cầu học tập của bản thân không (về ngành nghề, cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo, kiến thức, kỹ năng được đào tạo, thời gian, học phí). Trên cơ sở đó, các điều kiện công khai cũng là thước đo để các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng so sánh, đánh giá nhằm lựa chọn các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp phù hợp để hợp tác trong nhiều lĩnh vực như: đào tạo lại cho lao động của doanh nghiệp, liên kết đào tạo (theo mô hình đào tạo kép), tiếp nhận thực tập sinh, tuyển dụng lao động sau tốt nghiệp, nghiên cứu khoa học và và chuyển giao công nghệ.

Các cơ sở pháp lý để thực hiện công khai:

- Luật giáo dục nghề nghiệp được Quốc hội thông qua số: 43/2019/QH14 ngày 14/6/2019.
- Nghị định 143/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
- Nghị định 140/2018/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ LĐ-TB&XH.
- Thông tư số 28/2017/TT-BLĐTBXH ngày 15/12/2017 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định hệ thống bảo đảm chất lượng của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
- Công văn số: 1857/TCGDNN-PCTT ngày 17/8/2020 của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp về công khai các điều kiện đảm bảo tổ chức hoạt động GDNN.

Trên cơ sở đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện công khai nhằm đảm bảo quyền lợi cho người học, cho xã hội.Tại Chương VI của Luật Giáo dục nghề nghiệp cũng đã quy định rõ các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp phải thực hiện kiểm định và bảo đảm chất lượng đào tạo.

Giả sử nếu nhà trường có đội ngũ nhà giáo tốt, nhưng không có cách thức, quy định về quản lý tốt thì có thể những người giỏi sẽ rời bỏ trường để tìm đến một đơn vị khác thỏa mãn nhu cầu của họ hơn. Đồng nghĩa với việc nếu nhà trường có cơ sở vật chất và trang thiết bị,máy móc hiện đại, nhưng không có hệ thống quản lý, theo dõi khoa học, bảo dưỡng, bảo trì kịp thời thì dẫn tới tình trạng máy móc hỏng hóc, sửa chữa không kịp thời để phục vụ nhu cầu thực tập thực hành của người học. Như vậy, có thể nói nếu chúng ta chỉ đầu tư trực tiếp vào các điều kiện để bảo đảmchất lượng giáo dục thì chưa đủ. Vì,nếu như chương trình, giáo trình, cơ sở vật chất và trang thiết bị, trình độ đội ngũ giảng viên, giáo viên được bồi dưỡng, được đầu tư,nhưng độc lập với nhau thì hiệu quả sẽ chưa cao. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay đang thiếu một yếu tố đóng vai trò quan trọng là: môi trường để khớp nối tất cả các yếu tố từ công khai hoạt động đào tạo để tạo điều kiện bảo đảm chất lượng sẽ giúp nhà trường vận hành một cách hiệu quả, đúng mục tiêu và từ đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Yếu tố đó chính là hệ thống  bảo đảmchất lượng giáo dục của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, hệ thống  bảođảm chất lượng bao gồm 02 yếu tố: (1) Công khai hoạt động đào tạo để xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong;(2) Hệ thống  bảo đảmchất lượng bên ngoài. Trong phạm vicủa bài báo này, tác giả phân tíchCông khai hoạt động đào tạo để xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

2. Các nội dung cần công khai

Trong hoạt động Giáo dục nghề nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp các cấp được giao nhiệm vụ để quản lý các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Việc giám sát các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp ngoài cơ quan quản lý còn cần sự giám sát chung của toàn xã hội, bao gồm: người học, các tổ chức chính trị, xã hội, các doanh nghiệp,… Việc công khai các thông tin nhằm minh bạch trong hoạt động đào tạo, đảm bảo quyền lợi nhà giáo, người học và các nhà tuyển dụng, giúp hoạt động giáo dục nghề nghiệp ngày càng phát triển. Việc công khai các điều kiện nhằm bảo bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp được thực hiện với các nội dung sau:Cơ sở vật chất;Công khai thông tin tuyển sinh, ngành nghề tuyển;Thiết bị và đội ngũ nhà giáo từng ngành, nghề;Chương trình đào tạo (chuẩn đầu ra, kiến thức, kỹ năng từng ngành);Thời gian, phương thức đào tạo;Học phí, lệ phí theo học kỳ, năm học, khóa học;Phối hợp với các doanh nghiệp trong đào tạo;Việc làm cho người học sau tốt nghiệp;Các hoạt động nghiên cứu khoa học.

Cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được công khai về số lượng, diện tích phòng học, phòng thực hành, xưởng thực tập nhằm đảm bảo cơ sở đủ điều kiện cơ sở vật chất theo quy định. Một số cơ sở GDNN chưa đảm bảo được điều kiện này nên bố trí học tập nhiều địa điểm không cố định, khó khăn cho người học.

Thông tin tuyển sinh là một trong các tiêu chí phải được công khai nhằm mang lại công bằng, khách quan cho người học. Ngành, nghề, nội dung, phương thức tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển phải được công bố trước cho người học. Người học dựa trên các thông tin đó để lựa chọn ngành nghề, nơi học tập phù hợp.

Các cơ sở giáo dục cần phải thông tin công khai chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo trong đó thể hiện rõ kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ tự chịu trách nhiệm mà người học đạt được khi tốt nghiệp để người học tự kiểm tra năng lực bản thân phù hợp với ngành, nghề đào tạo. Ngoài ra, đây cũng là thước đo để so sánh đối chiếu giữa các cơ sở GDNN với nhau, người học và các nhà tuyển dụng có sự lựa chọn phù hợp trong học tập, trong tuyển dụng.

Trang thiết bị dạy học và đội ngũ nhà giáo theo từng ngành, nghề là cơ sở rất quan trọng trong hoạt động đào tạo. Hai điều kiện này có ảnh hưởng quyết định đến chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Chương trình đào tạo GDNN hiện nay, thời lượng thực hành, thực tập thường chiếm 65-70% khối lượng học tập toàn khóa, vì thế, trang thiết bị đầy đủ và đảm bảo mới có thể đạt được việc rèn luyện kỹ năng nghề cho người học (kể cả kết hợp với trang thiết bị tại các doanh nghiệp).

Đội ngũ nhà giáo có vai trò quyết định sự thành công của công tác đào tạo. Việc chuẩn hóa và bồi dưỡng đội ngũ nhà giao trở thành vấn đề cấp thiết trong các cơ sở GDNN. Chỉ có đội ngũ nhà giáo có năng lực tốt mới có thể áp dụng các phương pháp dạy học tích cực, giúp người học phát huy năng lực của bản thân một cách tốt nhất.

Thời gian, phương thức đào tạo của cơ sở GDNN (đào tạo theo niên chế, tín chỉ, tích lũy mô đun) và thời gian đào tạo người học và xã hội cũng cần được biết. Mỗi phương thức đào tạo có một ưu điểm nhất định cho từng đối tượng cụ thể, vì thế người học có quyền lựa chọn cho mình phương thức đào tạo phù hợp. Bên cạnh đó, học phí, lệ phí.

Hoạt động kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp là một tiêu chí quan trọng trong hoạt động đào tạo. Các nội dung hợp tác bao gồm: Tham gia xây dựng và đánh giá chương trình đào tạo, hợp tác hướng dẫn người học tại doanh nghiệp, tham gia đánh giá năng lực người học, tuyển dụng người học sau tốt nghiệp và hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Thông qua hợp tác doanh nghiệp, các cơ sở GDNN cần công khai tỷ lệ tốt nghiệp, tỷ lệ có việc làm sau tốt nghiệp để người học và xã hội giám sát.

3.  Công khai hoạt động đào tạo là điều kiện để nhà trường xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong

Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung trước năm 2017 thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, hàng năm đã thực hiện công khai theo Thông tư số 09/2009/BGDĐT ngày 07/5//2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Từ năm 2017, nhà trường được quản lý nhà nước về giáo dục của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tiếp tục thực hiện công khai theo các quy định hiện hành. Xuất phát từ hoạt động công khai trong đào tạo, nhà trường đã xây dựng hệ thống bảođảm chất lượng bên trong dựa trên các hoạt động như: giám sát, đánh giá và cải tiến. Xuất phát từ sự đòi hỏi của các bên liên quan tác động đến đầu vào (người học, chương trình, giảng viên, nhân viên, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nguồn lực hỗ trợ hoạt động giảng dạy,…) đến quá trình đào tạo (hoạt động dạy và học, sự phát triển của nhân viên, hoạt động đánh giá và hỗ trợ người học, nghiên cứu khoa học,…) và đánh giá chất lượng đầu ra (năng lực nghề nghiệp của người học tốt nghiệp, sản phẩm khoa học công nghệ và chuyển giao, đóng góp cho cộng đồng,…).Ngoài ra, hoạt động đánh giá sự hài lòng của các bên liên quan cũng được xem là khâu quan trọng để Ban Giám hiệu có cơ sở trong hoạt động cải tiến hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong của nhà trường.

Từ các nội dung đã phân tích trên, tác giả đề xuất Mô hình tổng quát của hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong (Internal quality assurance -IQA) của nhà trường trong giai đoạn hiện nay như hình 1.

 
Qua hình 1 ta thấy: Mô hình hệ thống  bảo đảmchất lượng bên trong của nhà trườngđược thể hiện bằng 6 vòng tròn đồng tâm với ý nghĩa các hoạt động của nhà trường được xem như là những chu trình mà ở đó luôn có sự cải tiến về chất lượng để liên tục phát triển bằng phương thức quản lý tập trung vào chất lượng.

Việc quản lý tập trung vào chất lượng được thông qua việc hỗ trợ của đơn vị làm công tác  bảo đảmchất lượngvới vai trò tư vấn, triển khai và kiểm soát mọi khâu của quá trình thực hiện có chất lượng và hướng tới xây dựng và phát triển văn hóa chất lượng. Khi đó mọi thành viên trong nhà trường (bao gồm cán bộ, giảng viên, nhân viên và người học) đều có vai trò nhất định trong việc đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo;cùng nhau cam kết, cùng nhau tham gia trực tiếp vào quản lý nhà trường để  bảo đảmchất lượng giáo dục.

Hạt nhân cốt lõi trong mô hình bảo đảmchất lượng chính là vai trò của Ban Giám hiệu và đơn vị tham mưu cho lãnh đạo nhà trường về chất lượng.Do vậy, hoạt động quản lý chất lượng bên trong nhà trường tập trung vào: (1) Mối quan hệ giữa Ban Giám hiệu và đơn vị làm công tác bảo đảmchất lượng; (2) Phương thức quản lý chất lượng của 6 nội dung hoạt động cốt lõi trong nhà trường: (1— quản lý chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên;2— quản lý chất lượng chương trìnhđào tạo; 3— quản lý chất lượng cơ sở vật chất và trang thiếtbị; 4—quản lý chất lượng hoạt động NCKH và dịch vụ; 5—quản lý chất lượng hoạt động dạy học và giáo dục; 6—quản lý chất lượng hoạt động học tập và rèn luyện). Đó cũng là những nội dung cốt lõi về hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong của nhà trường đã được quy định tại Thông tư số 28/2017/TT-BLĐTBXH.

3.1. Mối quan hệ giữa Ban Giám hiệu và đơn vị làm công tác bảo đảm chất lượng

Ban Giám hiệu được xem là nơi điều phối các hoạt động đào tạo, giáo dục của nhà trường, thực hiện theo sứ mạng, mục tiêu mà nhà trường đề ra. Hoạt động quản lý của Ban Giám hiệu sẽ ảnh hưởng tích cực đến môi trường văn hóa, lôi cuốn mọi thành viên tham gia thực hiện mục tiêu chất lượng của nhà trường đề ra. Căn cứ vào tầm nhìn, sứ mạng, chiến lược hoạt động đã đề ra, nhà trường vận hành các hoạt động liên quan từ đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên; chương trình đào tạo; cơ sở vật chất và trang thiết bị; hoạt động nghiên cứu khoa học và dịch vụ; hoạt động dạy học và giáo dục; hoạt động học tập và rèn luyện… với sự tư vấn, triển khai, giám sát chất lượng của đơn vị làm công tác bảo đảmchất lượng để thực hiện cơ chế quản lý mọi hoạt động cho trường.

 Kết quả của chu trình khép kín này nhằm đạt được mục tiêu chất lượng mà nhà trường cam kết với cộng đồng và gia đình người học. Vì thế, nhà trườngcăn cứ vào sứ mạng và tầm nhìn của mình để xây dựng mô hình  bảo đảmchất lượng phù hợp và mang bản sắc riêng của cộng đồng dân cư mà nó phục vụ.

Đơn vị  bảo đảm chất lượng có thể tư vấn, rồi triển khai và giám sát các hoạt động như: (1) tổ chức quán triệt bộ tiêuchuẩn kiểm định và kết quả tự đánh giá chất lượng nhà trường; (2) tổ chức bồi dưỡng tri thức về thiết kế sứ mạng, xây dựng kế hoạch chiến lược; (3) tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý chuyên môn và người dạy kiến thức về xây dựng và phát triển chương trình giáo dục, chương trình giảng dạy; (4) tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý chuyên môn và người dạy về phương pháp dạy và học, phương pháp kiểm tra đánh giá; (5) tổ chức bồi dưỡng về phương pháp và kinh nghiệm xây dựng, hợp tác và triển khai các hoạt động giáo dục trong nhà trường; (6) tổ chức điều tra, khảo sát, lấy ý kiến phản hồi của các bên liên quan; (7) tổ chức xây dựng các quy trình  bảo đảmchất lượng bên trong cho các khâu hoạt động trọng yếu của trường.

Để công tác bảo đảmchất lượng bên trong của Trường thì Ban Giám hiệu thể hiện sự quyết tâm trong triển khai công tác bảo đảmchất lượng. Đơn vị làm công tác  bảođảm chất lượng cần hiện thực hóa sự quyết tâm đó bằng những hoạt động cụ thể nhằm nâng cao chất lượng của nhà trường. Đơn vị làm công tác  bảo đảmchất lượng với chức năng đầu mối để điều phối các hoạt động  bảo đảmchất lượng của Trường.

Vai trò lãnh đạo của Ban Giám hiệu nhà trường chuyển từ chỉ đạo sang khuyến khích các đơn vị, thành viên trong trường thực hiện các hoạt động đảm bảo chất lượng bên trong. Vai trò của đơn vị làm công tác  bảo đảmchất lượng chuyển từ bắt buộc sang tự nguyện để cùng các đơn vị, thành viên trong trường hợp tác thực hiện nhiệm vụ chung.
 
3.2. Phương thức quản lý chất lượng của 6 nội dung trong hoạt động cốt lõi trong nhà trường

(1)— Quản lý chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên: Phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp; Trình độ chuyên môn; Phương pháp giảng dạy (giảng viên), năng lực điều hành (cán bộ quản lý), năng lực làm việc (nhân viên); Thái độ và cam kết với nhà trường; Tinh thần trách nhiệm; Khối lượng công việc; Khả năng phát triển chuyên môn....

(2)—Quản lý chất lượng chương trìnhđào tạo: Mục tiêu chương trình; Tính phù hợp của chương trình; Tính thống nhất của chương trình; Tính khoa học của chương trình; Tính cân đối của chương trình; Tính ứng dụng của chương trình; Tính cập nhật của chương trình; Chương trình đào tạo được đánh giá và cải tiến một cách liên tục và có hệ thống; Chương trình đào tạo cần tuân thủ theo Thông tư số 04/2017/TT-BLĐTBXH, ngày 02/03/2017 về việc Ban hành Danh mục ngành, nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.

(3)—Quản lý chất lượng cơ sở vật chất và trang thiếtbị: Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hỗ trợ; Thư viện/nguồn tài nguyên; Phòng học/Hội trường; Phòng thực hành/thí nghiệm;  Khu vui chơi; Khu ký túc xá; Chất lượng các dịch vụ hỗ trợ; Phong cách phục vụ của cán bộ, nhân viên...

(4)—Quản lý chất lượng hoạt động NCKH và dịch vụ: Cung cấp thông tin, học liệu; Xây dựng và triển khai kế hoạch hoạt động khoa học, công nghệ phù hợp với sứ mạng của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Số lượng và chất lượng các đề tài, dự án được thực hiện phù hợp với định hướng phát triển của nhà trường; Số lượng và chất lượng bài báo đăng trên tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế phù hợp với định hướng phát triển của nhà trường; Mức độ ứng dụng và giá trị khoa học của hoạt động nghiên cứu và dịch vụ; Nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ;  Hệ thống văn bản pháp lý quy định cụ thể về tiêu chuẩn năng lực và đạo đức trong các hoạt động khoa học và công nghệ và đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ.....

(5)—Quản lý chất lượng hoạt động dạy học và giáo dục: Quản lý hoạt động dạy học (giờ lên lớp, kế hoạch giảng dạy, chất lượng hoạt động giảng dạy,…); Quản lý hoạt động giáo dục (kế hoạch ngoại khóa, quản lý thời gian tự học của người học, phát triển các kỹ năng mềm cho người học,…); Công tác tổ chức đào tạo (kế hoạch học tập, sĩ số lớp học, tính đầy đủ giáo trình/tài liệu học tập, nội dung của giáo trình/tài liệu học tập,…); Công tác kiểm tra đánh giá (loại hình kiểm tra đánh giá, cách thức kiểm tra đánh giá kết quả học tập, mục tiêu và nội dung kiểm tra đánh giá, quy trình kiểm tra đánh giá, tổ chức kiểm tra đánh giá, phản hồi và sử dụng kết quả kiểm tra đánh giá,…); Lấy ý kiến phản hồi (mục tiêu hoạt động lấy ý kiến phản hồi, quy trình lấy ý kiến phản hồi, sử dụng kết quả lấy ý kiến phản hồi,…); Hệ thống phản hồi liên quan hoạt động dạy học và giáo dục....

(6)—Quản lý chất lượng hoạt động học tập và rèn luyện: Kế hoạch học tập, rèn luyện; Thực hiện nội quy, quy chế; Các hoạt động học tập và rèn luyện của người học; Động cơ học tập; Mối quan hệ với bạn học cùng lớp và với cộng đồng...

Mặt khác, xuất phát từ quan điểm của nhóm tác giả công tác  bảo đảmchất lượng giáo dục luôn gắn liền với hệ thống quản lý chất lượng.Do đó,xuất phát từ hình 1. Mô hình IQA được kết hợp với hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001: 2015, như hình 2.

 
Qua hình 2 ta thấy: - Mối quan hệ giữa Ban Giám hiệu và đơn vị làm công tác đảm bảo chất lượng được xem là quá trình quản lý.

- Quản lý chất lượng chương trìnhđào tạo; quản lý chất lượng hoạt động NCKH và dịch vụ; quản lý chất lượng hoạt động dạy học và giáo dục; quản lý chất lượng hoạt động học tập và rèn luyện được xem là quá trình đào tạo.

- Quản lý chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên;quản lý chất lượng cơ sở vật chất và trang thiếtbị; nguồn lực tài chính; và các hoạt động khác (Tổ chức thanh tra, kiểm tra; tổ chức thi, kiểm tra và quản lý HSSV thực tập...) được xem là quá trình hỗ trợ.

4. Các giải pháp công khai để xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn hiện nay

Để công khai trong hoạt động đào tạo là điều kiện để xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng giáo dục của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn hiện nay đi vào ổn định và hướng đến chiều sâu, luôn được giám sát và cải tiến liên tục thì:

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần xây dựng chiến lược, chính sách, mục tiêu phát triển, sứ mạng, tầm nhìn của trường.

Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng vào quản lý chất lượng đào tạo, chuyển đổi từ quản lý theo chức năngsang quản lý theo quá trình để kiểm soát chặt chẽ quá trình đào tạo.

Tuyên truyền đến CBVC và người học về mối quan hệ chặt chẽ giữa đảm bảo chất lượng và văn hóa chất lượng; Xây dựng kênh thông tin thu thập ý kiến phản hồi của các bên liên quan.

Tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nhà trường với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trong quá trình đào tạo, nhằm tạo điều kiện cho người học và cả đội ngũ giảng viên, giáo viên có cơ hội được tham quan, học hỏi hoặc thực hành ngắn hạn tại các doanh nghiệp để tiếp cận với công nghệ mới.Trong đó, cần trọng tâm là gắn kết ngay từ đầu trong công tác hỗ trợ đào tạo như: về kiến thức, kỹ năng, năng lực tối thiểu của người học cần đạt được để đơn vị sử dụng lao động chấp thuận và không phải đào tạo lại.

Bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ người học trong đó cần chú trọng đến khâu dự báo để đầu tư kịp thời các máy móc, thiết bị cần thiết với công nghệ thay đổi trong thực tế; đồng thời khai thác một cách hiệu quả các thiết bị hiện có của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

Thực hiện công tác kiểm định chất lượng định kỳ về mục tiêu đào tạo, tổ chức đào tạo, kết quả đào tạo, các nguồn lực đảm bảo cho đào tạo theo các tiêu chuẩn, tiêu chí chung của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội và hướng đến các tiêu chuẩn, tiêu chí trong khu vực.

Chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo, giáo trình, bài giảng cần được điều chỉnh, cập nhật thường xuyên cho phù hợp với những tiến bộ, những đổi thay của khoa học công nghệ; và được thẩm định trước khi đưa vào sử dụng. Đồng thời có sự đối sánh với chương trình đào tạo của các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, quốc tế. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả hoạt động công tác tự đánh giá và kiểm định cấp chương trình.

Đối với giảng viên, giáo viên cần nâng cao kỹ năng nghề, bắt kịp với những đổi thay của khoa học công nghệ. Khi giảng viên, giáo viên bảo đảm được tay nghề thì mới có khả năng truyền đạt, đồng thời kiểm tra, uốn nắn học sinh, sinh viên ngay trong quá trình giảng dạy của mình để kịp thời phát hiện và sửa chữa những sai sót. Bên cạnh đó, hoạt động soạn giáo án, thể hiện nội dung bài giảng trên lớp, tác phong sư phạm và phương pháp giảng dạy của giảng viên, giáo viên đây cũng chính là việc cụ thể hóa mục tiêu giáo dục chung của nhà trường.

Tổ chức dự giờ đánh giá chất lượng giảng dạy, việc dự giờ được tiến hành trong suốt năm học và đảm bảo 100% giảng viên, giáo viên giảng dạy đều được đánh giá qua dự giờ. Các khoa, bộ môn trước khi dự giờ cần tập huấn cho các thành viên về phương pháp đánh giá, thống nhất phương thức đánh giá các tiêu chí trong phiếu đánh giá theo từng cấp độ (như thế nào là xuất sắc, như thế nào là tốt…). Bên cạnh đó, những điểm mạnh và phương pháp hay của giảng viên, giáo viên các Khoa, bộ môn cần chia sẻ cho toàn bộ giảng viên, giáo viên trong trường để học tập.

Tăng cường sinh hoạt học thuật cấp bộ môn, vì thông qua sinh hoạt học thuật, các giảng viên, giáo viên có cơ hội trao đổi và chia sẽ kiến thức, kinh nghiệm, phát huy khả năng sáng tạotrong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu.

Song song với hoạt động giảng dạy của giảng viên, giáo viên, hoạt động học của học sinh, sinh viên cũng cần được quản lý, điều chỉnh cho phù hợp; Với phương châm người học được xem là đối tượng được phục vụ chính trong nhà trường, được quan tâm chăm sóc tận tình, chu đáo trong học tập, sinh hoạt và khi giải quyết công việc.

Đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá người học, thực hiện theo nhiều cấp độ: đánh giá theo giờ học, đánh giá cho từng môn học và đánh giá theo chương trình học (mỗi hình thức có hệ thống tiêu chí riêng), quản lý đầu ra của sản phẩm đây được xem là công đoạn cuối cùng trong quá trìnhtổ chức đào tạo của nhà trường.

5. Kết luận

Bảo đảm chất lượng đào tạo là yếu tố quyết định đến uy tín và sự tồn tại, phát triển của mỗi cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Để thực hiện được điều này, việc thiết lập, duy trì và phát triển IQAđòi hỏi sự tập trung trí tuệ của toàn thể cán bộ, giảng viên, giáo viên và nhân viên của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đồng thời cùng với sự quyết tâm thực hiện của lãnh đạo thì việc xây dựng hệ thống  bảo đảmchất lượng mới phát huy hiệu quả.
Với phương châm các cơ sở giáo dục nghề nghiệp luôn hướng tới việc đảm bảo “bốn lợi ích”: Lợi ích của người học, lợi ích của CBVC, lợi ích của nhà trường và lợi ích của xã hội. Thông qua một số giải pháp đã đưa ra, đồng thời các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thường cụ thể hóa thành các nội dung trọng tâm trong kế hoạch thực hiện công khai bảo đảm chất lượng giáo dục hàng năm./.


 
TS. Lê Kim Anh
Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung
 

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Luật Giáo dục nghề nghiệp số 74/2014/QH13.
[2]http://tcdn.gov.vn/AIAdmin/News/View/tabid/66/newsid/6255/seo/Dam-bao-chat-luong-dao-tao-tai-cac-co-so-day-nghe-trong-boi-canh-hien-nay/Default.aspx
[3] Nguyễn Huy Vị và Lê Bạt Sơn (2014). Mô hình Trường đại học địa phương ở Việt Nam – Lí luận và thực tiễn. Tạp chí Khoa học Trường Đại học An Giang, Quyển 2 (1).
[4] Lê Đức Ngọc (2008). Xây dựng văn hóa chất lượng tạo nội lực cho cơ sở đào tạo đáp ứng yêu cầu của thời đại chất lượng.Tạp chí Khoa học Giáo dục, số 36, tháng 9.
[5]Lê Đức Ngọc, Lê Thị Linh Giang (2016). Mô hình đảm bảo chất lượng trường đại học địa phương: Đảm bảo chất lượng bên trong và đảm bảo chất lượng bên ngoài. Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Nghiên cứu Giáo dục, Tập 32, Số 1, 41-50.
[6]Tiêu chuẩn ISO 9001:2015.