ThS Võ Mạnh Tuấn – Trưởng Ban Truyền thông, Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum

Tại các quốc gia phát triển trên thế giới, giáo dục nghề nghiệp được xem là định hướng của xã hội nhằm nâng cao năng suất lao động, giúp giới trẻ sớm ổn định cuộc sống. Đức, Nhật, Hàn Quốc, Singapore… là những đất nước luôn chú trọng đào tạo nghề từ rất sớm cho học sinh, xây dựng nền tảng vững chắc để công dân trẻ thành công với chính đam mê của chính mình.

1. Lựa chọn học nghề tại các quốc gia phát triển

Học nghề đã không còn quá xa lạ với giới trẻ tại nhiều quốc gia phát triển. Hệ thống giáo dục tiên tiến, học sinh được phân luồng từ rất sớm và dễ dàng nhận ra đam mê, sở thích và năng lực bản thân để chọn môi trường học tập phù hợp. Cùng với đó, phương pháp giáo dục nghề nghiệp một cách toàn diện, người học được đảm bảo kiến thức, kỹ năng mang tính ứng dụng cao, sát với thực tiễn. Đây cũng là cách để giới trẻ cảm thấy hứng thú hơn trong học tập và phát huy khả năng sáng tạo, đưa năng suất lao động ngày càng gia tăng khi bước vào môi trường làm việc thực tế sau này.
Chính phủ Singapore khuyến khích học sinh chọn học nghề thay vì vào đại học. 65% học sinh chọn các trường nghề, viện kỹ thuật sau THCS. Năm 2015, Singapore khởi động chương trình quốc gia SkillsFuture, trong đó giới chức giáo dục công nhận việc thành thạo một kỹ năng nhất định (nấu ăn, lập trình…) cũng tốt như thành tích kiếm được một tấm bằng đại học.
Tại Nhật Bản mối quan tâm lớn của các nhà xây dựng chính sách giáo dục là tìm cách đẩy mạnh hướng nghiệp, đào tạo dạy nghề cho học sinh sau THCS và THPT nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp được xây dựng bài bản, cung cấp dịch vụ đào tạo cho người học, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Các ngành nghề đào tạo gắn liền với định hướng phát triển của từng địa phương, doanh nghiệp.
Cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Nhật Bản cũng rất đa dạng phù hợp với nhiều đối tượng học viên như: Trường Trung học kỹ thuật hay Trung học chuyên nghiệp, Trường cao đẳng kỹ thuật, Trường đào tạo chuyên ngành, Trường chuyên tu…
Giáo dục nghề nghiệp là một trong những định hướng để đẩy mạnh quá trình đổi mới của nền kinh tế Hàn Quốc. Theo tờ Chosun Ilbo, học viên tốt nghiệp trường nghề tỷ lệ có việc làm là 61%, trong khi đó tỷ lệ này ở cử nhân đại học là 52.6%. Học nghề được coi trọng ngay từ cấp trung học. Học sinh Hàn Quốc được định hướng vào các trường nghề từ rất sớm. Điều này đã phần nào mang lại hiệu quả cao hơn trong việc điều chỉnh cơ cấu nhân lực. Chính phủ Hàn Quốc cũng có nhiều chính sách đầu tư cho đào tạo nghề, phát triển mô hình hợp tác giữa Nhà nước, doanh nghiệp và thị trường để đảm bảo cơ hội việc làm cho người lao động sau khi học xong.
Không chỉ tại các quốc gia châu Á mà ở nhiều nước châu Âu phát triển, học nghề cũng đang là xu hướng chung của giới trẻ. Ở Đức học viên trường nghề có trình độ và năng lực thực hành cao. Hệ thống giáo dục Đức đào tạo nghề khép kín bên ngoài đại học. Ở Đức, những người trẻ tuổi có định hướng thực tiễn không cần phải học tại một trường đại học để tạo dựng sự nghiệp. Người học nghề học lý thuyết tại trường dạy nghề và thực hành tại các doanh nghiệp. Khi học xong, họ trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của họ với trình độ và năng lực thực hành cao, thậm chí có thể kiếm nhiều tiền hơn so với các bậc đào tạo khác.

2. Việt Nam - những chuyển biến trong phân luồng, hướng nghiệp và đào tạo nghề

Tại Việt Nam, theo thống kê của Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, tỷ lệ học viên trường nghề có việc làm sau tốt nghiệp bình quân là 85%, thu nhập ở nhiều ngành nghề cũng rất tốt, học viên được các nhà tuyển dụng tiếp nhận ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Rõ ràng, hiện nay đã có rất nhiều bạn trẻ chọn con đường học nghề để làm lối dẫn vào đời sớm, tiết kiệm được nhiều thời gian cũng như tiền bạc của gia đình lại đúng với đam mê bản thân và nhu cầu xã hội.


Sinh viên thực hành nghề tại Cao đẳng cộng đồng Kon Tum. Ảnh: KTCC

Bước vào giai đoạn tới, ngành dạy nghề đang đứng trước những cơ hội phát triển mới với nhiệm vụ lớn lao nhưng cũng đầy thách thức để góp phần đưa nước ta chuyển dịch từ một nước nông nghiệp sang một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đào tạo nguồn nhân lực là một trong những nhân tố đóng vai trò quyết định, trong đó dạy nghề phải đảm nhận đào tạo 60-65% trong tổng số lực lượng lao động. Đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo; chất lượng đào tạo của một số nghề đạt trình độ các nước phát triển trong khu vực ASEAN và trên thế giới; hình thành đội ngũ lao động lành nghề, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; phổ cập nghề cho người lao động, góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập, giảm nghèo vững chắc, đảm bảo an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng Phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” ban hành theo Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/5/2018 đã xác định mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 25%; đến năm 2025, có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có Điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%.[2]
Như vậy có thể thấy phân luồng học sinh sau Trung học cơ sở nói chung và hướng đến học nghề nói riêng nhằm định hướng cho học sinh lựa chọn hướng đi:
i) Phù hợp với năng lực, sở trường, nguyện vọng, hoàn cảnh và đặc điểm tâm sinh lý của của bản thân học sinh, tạo cơ hội cho họ tiếp tục học tập có hiệu quả;
ii) Phù hợp với yêu cầu nhân lực của xã hội, của nền kinh tế; góp phần điều chỉnh cơ cấu trình độ và ngành nghề đào tạo nhân lực, đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu nhân lực, phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế là một nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới giáo dục qua mọi thời kỳ;
iii) Tạo điều kiện cho người học dễ dàng chuyển đổi giữa các chương trình giáo dục, học thường xuyên, học suốt đời, góp phần từng bước xây dựng xã hội học tập. Phân luồng học sinh sau trung học cơ sở rất có ý nghĩa đối với mỗi cá nhân và toàn xã hội.
Bộ Giáo dục đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp trong lãnh đạo và chỉ đạo các cơ sở đào tạo hợp tác, xây dựng các chương trình đào tạo liên thông, tạo điều kiện phân luồng trong hệ thống giáo dục quốc dân như Quyết định 1981/QĐ-TTg quy định, trong đó có:
 1) Chương trình giáo dục liên thông dọc từ Trung học cơ sở lên Trung học phổ thông và tiếp theo lên Cao đẳng hoặc Đại học;
2) Liên thông dọc từ Trung học cơ sở lên trung cấp, từ trung cấp lên Cao đẳng hoặc Đại học, Cao đẳng lên Đại học;
3) Đồng thời, cần xây dựng các chương trình đào tạo ngang từ chương trình đào tạo trung cấp của một lĩnh vực/ ngành đào tạo sang chương trình đào tạo trình độ trung cấp của lĩnh vực/ ngành đào tạo khác /hoặt liên thông chéo lên chương trình đào tạo cao đẳng, đại học của lĩnh vực/ ngành đào tạo khác.[1]

3. Những lựa chọn thực tế về nghề nghiệp

Những phân tích ở góc độ chính sách vĩ mô trên đây là mang tính đính hướng, còn thực tế liên quan trực tiếp đến tư vấn hướng nghiệp thì câu chuyện “thừa thầy thiếu thợ” càng trở thành tâm điểm khi nhiều cử nhân, thạc sĩ đăng ký học lại trung cấp, cao đẳng nghề vì thất nghiệp. Tấm bằng đại học không còn là tấm vé thông hành cho các cử nhân khi thị trường lao động đang bị bão hòa bởi số lượng lớn lao động có bằng đại học và sau đại học không đáp ứng được nhu cầu về năng lực. Những ứng viên tốt nghiệp các cơ sở đào tạo nghề với lợi thế về kiến thức cũng như kỹ năng được đào tạo bài bản đang có những cơ hội lớn trong việc cạnh tranh tìm kiếm cơ hội và phát triển nghề nghiệp. Có thể nhận thấy, bằng cấp đại học hiện nay đã không còn là con át chủ bài giúp ứng viên ghi điểm với nhà tuyển dụng. Chính những kỹ năng, thái độ làm việc sẽ giúp ứng viên dễ dàng có được cái gật đầu của các chuyên giasăn đầu người.
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận định thời gian gần đây tâm lý của học sinh và phụ huynh về lựa chọn nghề nghiệp cũng đã có sự thay đổi rõ nét. Thay vì đổ xô vào chọn đại học, nhiều học sinh, phụ huynh đã tỉnh táo hơn trong việc lựa chọn cánh cửa bước vào tương lai.


Hướng dẫn học sinh thực hành nghề May tại Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum. Ảnh: KTCC

Thay đổi đầu tiên có thể thấy chính là tỷ lệ học sinh đăng ký học nghề tăng lên rõ rệt. Nhiều nhất chính là hệ trung cấp nghề. Năm học 2019 - 2020 các trường trung cấp đã tuyển đủ chỉ tiêu, thậm chí vượt chỉ tiêu đặt ra.
Một số ngành nghề được học sinh lựa chọn nhiều là nghề sửa chữa ô tô, nghề nấu ăn, phục vụ nhà hàng khách sạn, nghề làm đẹp, cơ khí, nghề lập trình... Thống kê sơ bộ của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho thấy, năm 2019, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường cao đẳng, trung cấp là hơn 22.000 em, tăng gần 50% so với năm 2018. Tính đến hết tháng 8/2019, các trường nghề đạt vượt 10% so với chỉ tiêu tuyển sinh của năm trước.

4. Những lợi thế kinh tế xã hội khi lựa chọn học nghề

- Thứ nhất: đó là chính sách hấp dẫn khi có nhiều diện miễn học phí và chính sách hỗ trợ cho người học.
- Thứ hai: là thời gian học ngắn hơn đại học. Chương trình đào tạo là thực hành chiếm trên 70% tùy trình độ đào tạo. Đó là chưa kể quá trình đào tạo gắn với doanh nghiệp nên việc thực hành, thực tập của người học sẽ được tiến hành tại doanh nghiệp.
- Thứ ba: giáo dục nghề nghiệp có khoảng 825 nghề trình độ trung cấp, 559 nghề trình độ cao đẳng ở 90 nhóm ngành nghề đào tạo, bao phủ mọi lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế, chưa kể đến hàng nghìn các nghề trình độ sơ cấp và chương trình đào tạo ngắn hạn khác. Ngoài lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ như máy tính, công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật; kiến trúc và xây dựng; sản xuất và chế biến; nông lâm nghiệp thủy sản; môi trường và bảo vệ môi trường... còn nhiều lĩnh vực khác như giáo viên; văn hóa nghệ thuật; ngôn ngữ (tiếng Anh, Đức, Pháp…); báo chí thông tin truyền thông; kinh doanh và quản lý; pháp luật; sức khỏe (y tế); dịch vụ xã hội, dịch vụ vận tải; du lịch khách sạn; an ninh quốc phòng... cho học sinh sau THCS, THPT lựa chọn.
Thứ tư là cơ hội việc làm dễ dàng, thu nhập cao.[3]
Lợi ích kinh tế và xã hội ngày càng thấy rõ nếu chúng ta đem so sánh về thời gian, tài chính khi lựa chọn học nghề hay một hướng đi khác, cụ thể có thể so sánh với việc giáo dục Đại học, vốn đang quay về tình trạng bão hòa do sự mất cân đối giữa số lượng các trường đào tạo ngày càng tăng và nguồn tuyển sinh ngày thu hẹp.
Chúng ta sẽ làm một phép so sánh để thấy hơn tính hiệu quả của việc lựa chọn học nghề và học Đại học qua cách tính như sau:
Cách tính dưới đây là góc nhìn của tác giả và chỉ dựa trên những yếu tố chung, là những điều kiện tối thiểu để hoàn thành được chương trình. Có sự khác nhau tương đối tại nhiều vùng miền, địa phương, cơ sở đào tạo, chuyên ngành đào tạo hoặc tại nhiều thời điểm, kể cả các đối tượng được hưởng các chính sách của Nhà nước
Nếu chọn điểm khởi đầu được tính từ lúc Tốt nghiệp THCS cho đến tham gia thị trường lao động 3 năm thì ta có các bảng so sánh dưới đây.

1. Về thời gian
Tiêu chí Học nghề Tiếp tục học tiếp Giá trị khi so sánh
Thời gian tham gia học tập 3 năm 3 năm học THPT Xét về mặt thời gian học nghề tiết kiệm được 4 năm
4 năm đào tạo Đại học
2. Về tài chính
2.1. Tài chính cho đào tạo: Tài chính cho đào tạo được hiểu là các loại chi phí dành cho quá trình học tập gồm học phí và việc mua tài liệu phục vụ học tập.
Tiêu chí Học nghề Tiếp tục học tiếp Giá trị khi so sánh
Học phí
(tính trung bình chung trên mặt bằng cả nước tại nhiều thời điểm)
15.000.000đ cho 3 năm học 42.000.000đ cho 3 năm học THPT và 4 năm Đại học Xét về mặt tài chính học nghề tiết kiệm được 27.000.000đ
2.2. Tài chính cho sinh hoạt: Tài chính cho sinh hoạt được hiểu là các loại chi phí gồm thuê chổ ở, ăn uống, đi lại, và các hoạt động giải trí, các hoạt động xã hội khác. Tùy theo từng trường từng địa phương mà con số này có thể dao động thấp hơn hoặc cao hơn.
Tiêu chí Học nghề Tiếp tục học tiếp Giá trị khi so sánh
Chi phí sinh hoạt (tính trung bình chung trên mặt bằng cả nước tại nhiều thời điểm) 90.000.000đ cho 3 năm học (mỗi tháng trung bình 3.000.000đ, tính cho 10 tháng học/năm) 120.000.000đ cho 4 năm học (mỗi tháng trung bình 3.000.000đ, tính cho 10 tháng học/năm và chỉ tính cho 4 năm học Đại học) Xét về mặt tài chính học nghề tiết kiệm được 30.000.000đ
3. Tỷ lệ xin việc thành công: Tỷ lệ xin việc thành công được hiểu là số sinh viên sau khi tốt nghiệp xin được việc làm đúng chuyên ngành đào tạo. Hiện nay chưa có một con số thống kê cụ thể nào, số liệu trên chỉ mang tính chất tham khảo được tổng hợp từ nhiều nguồn và được tính trung bình chung.
Tiêu chí Học nghề Đại học Giá trị khi so sánh
Tỷ lệ xin việc thành công 60% – 90% 60% – 70% Học nghề có tỷ lệ xin việc thành công cao hơn từ 20%
4. Mức lương khởi điểm
Tiêu chí Học nghề Tiếp tục học tiếp Giá trị khi so sánh
Mức lương khởi điểm 4.000.000đ đến 5.000.000đ Đang học Thời gian tiết kiệm nhân với số tiền lương sau khi ra trường đối với học nghề: 48.000.000đ đến 60.000.000đ x 4 năm = 192.000.000đ đến 240.000.000đ
 
 
 

Như vậy có thể thấy, trong khi sinh viên đang theo học Đại học thì những bạn học nghề đã ra trường và có thể tham gia vào thị trường lao động xã hội và đã có một mức thu nhập nhất định.

5. Mức lương sau khi tham gia thị trường lao động 3 năm
Tiêu chí Học nghề Đại học Giá trị khi so sánh
Mức lương sau khi tham gia thị trường lao động 3 năm 7.000.000đ đến 10.000.000đ Mức lương mới tốt nghiệp Đại học 5.000.000đ đến 7.000.000đ - Tổng thu nhập đối với học nghề là từ 252.000.000đ đến 360.000.000đ
- Tổng thu nhập đối với Đại học là từ 180.000.000đ đến 252.000.000đ

Từ những phân tích mang tính chất vĩ mô đến các yếu tố vi mô có thể khẳng định rằng học nghề không chỉ là lựa chọn mang tính xu hướng mà quan trọng hơn đó là lựa chọn mang đầy tính thực tế.

Tại liệu tham khảo:

1. Quyết định số 1981/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 về việc “Phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân”
2. Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/5/2018 về việc phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng Phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”
3. Nhà báo Trọng Nhân. Nhiều lợi thế khi học nghề (https://tuoitre.vn/nhieu-loi-the-khi-hoc-nghe-20190722143256988.htm)