Xây dựng cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) không chỉ quan tâm đến xây dựng cơ sở vật chất thiêt bị, xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý mà cần quan tâm xây dựng mọi mặt hoạt động của cơ sở GDNN. Chất lượng được coi như một chiến lược quản lý để đạt được và duy trì vị trí hàng đầu trong cạnh tranh, vì vậy bảo đảm và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo là mối quan tâm của mỗi cơ sở GDNN. Trước yêu cầu nâng cao tính tự chủ, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ sở GDNN, Luật GDNN đã quy định “cơ sở giáo dục phải bảo đảm chất lượng đào tạo”. Chiến lược Phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định một trong các nhiệm vụ giải pháp quan trọng, đó là phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng quốc gia về GDNN tiếp cận “quản lý rủi ro” và đẩy mạnh “hậu kiểm”; “Phát triển mô hình “nhà trường thông minh, hiện đại”, “nhà trường xanh””. “Phát triển chương trình đào tạo các ngành, nghề mới, ngành, nghề công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ mới, kỹ năng tương lai.”; “Giáo dục toàn diện, chú trọng đến phát triển phẩm chất, bình đẳng giới, hình thành các kỹ năng cốt lõi, kỹ năng mềm, kỹ năng số, trình độ ngoại ngữ và cá thể hóa người học...”.

Từ những định hướng trong Chiến lược phát triển GDNN đặt ra yêu cầu nâng cao trách nhiệm, tạo động lực và tính tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, phát huy vai trò người đứng đầu trong các cơ sở GDNN và cơ quan quản lý các cấp đối với việc đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Chính vì vậy, việc thực hiện bảo đảm chất lượng GDNN của cơ sở GDNN vừa là trách nhiệm, vừa là động lực, mục tiêu phát triển bền vững của cơ sở GDNN. Theo quan niệm trong quản lý chất lượng tổng thể (TQM) thì bảo đảm chất lượng là trách nhiệm của mọi người, mọi thành viên trong tổ chức. Vì vậy, bảo đảm chất lượng là phạm trù rộng, liên quan đến các hoạt động và mọi người trong cơ sở GDNN. Trong phạm vi bài viết này cung cấp một số thông tin, định hướng, nội dung có liên quan đến công tác quản lý đào tạo, kiểm định và bảo đảm chất lượng trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp để cán bộ, giảng viên tham khảo, vận dụng trong công tác đào tạo và quản lý chất lượng cho phù hợp với thực tiễn và sự phát triển của nhà trường.

1. Tổng quan về bảo đảm chất lượng

Để triển khai các hoạt động đào tạo của nhà trường hướng đến bảo đảm và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, cần thiết nghiên cứu, vận dụng quan điểm mới, hướng tiếp cận mới qua đó có định hướng tổ chức và quản lý phù hợp.
Đặc điểm của giáo dục thế kỷ XXI và quan điểm dạy học hiện nay có những điểm thay đổi căn bản, tác động trực tiếp đến xu hướng bảo đảm và kiểm định chất lượng cũng như công tác tổ chức, quản lý của trường.
- So sánh đặc điểm của giáo dục thế kỷ XX và giáo dục thế kỷ XXI có những điểm khác nhau căn bản, thể hiện qua bảng 1 dưới đây:

Bảng 1: So sánh đặc điểm giáo dục thế kỷ XX và thế kỷ XXI

- So sánh quan điểm dạy học theo hướng tiếp cận nội dung và năng lực, thể hiện qua bảng 2 dưới đây:

Bảng 2: So sánh quan điểm dạy học hướng nội dung và năng lực

- Xu hướng bảo đảm và kiểm định chất lượng:
+ Nguyên tắc: Tuân thủ - Giải thích (Comply or Explain).
+ Tiếp cận rủi ro: quy định thích ứng, can dự nhẹ nhàng (light-touch) - đối xử thuận lợi hơn đối với hành vi tuân thủ và trừng phạt ngày càng nghiêm khắc hơn đối với hành vi vi phạm.
+ Chuyển từ Rule-based (dựa trên các quy định) sang Principle-based (dựa trên nguyên lý).
+ Tăng kiểm định “technic” (kỹ thuật) thay vì “general” (tổng quát) như: ABET, ACBSP (Accreditation Council for Business Schools and Programs), AACSB (The Association to Advance Collegiate Schools of Business), APQN.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, kiểm định và bảo đảm chất lượng chất lượng dựa theo quy tắc (Rule - Based) giai đoạn đầu dẽ tiếp cận và có tác động để nâng cao chất lượng đào tạo của cơ sở GDNN. Tuy nhiên, đến một thời điểm nhất định vẫn tiếp tục áp dụng xu thế này thì chất lượng đào tạo không nâng cao mà có xu thể giảm chất lượng. Trong khi đó, kiểm định và bảo đảm chất lượng dựa theo nguyên lý (Principle - Based), lúc đầu tiếp cận khó khăn hơn, nhưng sau một thời gian nhất định khi chất lượng đã trở thành ý thức trách nhiệm của mọi thành viên, trở thành văn hóa của nhà trường sẽ tác động và luôn thúc đẩy viêc thực hiện bảo đảm và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo của trường.
- Mô hình bảo đảm chất lượng theo nguyên lý được thể hiện như sau:

(Nguồn: PGS.TS Lê Quang Minh Nguyên Viện Trưởng, Viện Quản Trị ĐH, ĐH QG TPHCM)

Với những ý nghĩa của cách tiếp cận như trên, Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 15/2017/TT-BLĐTBXH quy định tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng GDNN đã có sự điều chỉnh cho phù hợp và tiếp cận các tiêu chuẩn, yêu cầu thực tiễn, cụ thể là:  
+ Tăng tính tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở đào tạo.
+ Chuyển từ tiếp cận theo quy định (rule-based) sang tiếp cận theo nguyên lý (principle-based).
+ Hướng chuẩn đầu ra theo quyết định số 1982/QĐ-TTg quy định Khung trình độ quốc gia (VQF).
+ Kết nối tiêu chuẩn Thông tư 35/2021/TT-BLĐTBXH quy định về tiêu chí đánh giá trường cao đẳng chất lượng cao; cập nhật tiêu chuẩn xanh, đào tạo trực tuyến, số hóa,…
+ Liên thông với Thông tư 28/2017/TT-BLĐTBXH về quy định bảo đảm chất lượng trong cơ sở GDNN.

2. Hệ thống bảo đảm chất lượng GDNN

Hệ thống bảo đảm chất lượng GDNN gồm 2 cấu phần: Hệ thống bảo đảm chất lượng  (BĐCL) bên trong cơ sở GDNN và hệ thống bảo đảm chất lượng bên ngoài nhà trường.
Hệ thống bảo đảm chất lượng bên ngoài nhà trường: Kiểm định chất lượng; kiểm tra, thanh tra; cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN... theo mô hình sau:

Hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong cơ sở GDNN: Bao gồm: hệ thống chính sách, biện pháp, quy trình, công cụ; hệ thống thông tin BĐCL... và tự đánh giá (tự đánh giá hệ thống BĐCL, tự đánh giá chất lượng...) theo mô hình sau:

3. Bảo đảm chất lượng trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Khi xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng, mỗi cơ sở giáo dục nghề nghiệp xác định những mục tiêu nhất định đáp ứng yêu cầu phát triển của cơ sở.
* Mục tiêu bảo đảm chất lượng: Đảm bảo tường minh/trách nhiệm giải trình xã hội; kiểm soát, cải tiến chất lượng; cung cấp thông tin cho xã hội về chất lượng đào tạo của cơ sở; tạo niềm tin đối với các cơ quan quản lý các cấp, người sử dụng lao động, người học và xã hội; đáp ứng mục tiêu đối ngoại (bên ngoài); xếp hạng chất lượng; phân bổ ngân sách....
* Đặc trưng của Trường chất lượng:
+ Lãnh đạo đơn vị lãnh đạo/chỉ đạo chất lượng
+ Tất cả mọi người tham gia vào công tác BĐCL
+ Có đơn vị làm “nhạc trưởng” cho quá trình cải tiến chất lượng
+ Khuyến khích sáng tạo
+ Vai trò, nhiệm vụ của các bộ phận rõ ràng
+ Tập trung vào “khách hàng”
+ Có biện pháp ngăn ngừa yếu tố làm giảm chất lượng
+ Đầu tư vào con người
+ Có chiến lược chất lượng
+ Thông tin phản hồi tiêu cực
+ Xác lập đặc trưng chất lượng trong mọi lĩnh vực hoạt động
+ Có chính sách và kế hoạch
+ Có chiến lược/hệ thống đánh giá rõ ràng
+ Chú ý đến độ hài lòng của “khách hàng”
+ Phát triển văn hóa chất lượng (Văn hóa chất lượng là một phần của văn hóa đơn vị)
+ Chất lượng phải thể hiện trong chiến lược
+ Sứ mạng đơn vị khác biệt
* Vai trò của lãnh đạo trong xây dựng văn hóa chất lượng:
+ Xây dựng và truyền đạt tầm nhìn
+ Cam kết cải tiến chất lượng
+ Truyền “thông điệp” về chất lượng
+ Lắng nghe thông tin phản hồi
+ Lãnh đạo việc phát triển nguồn nhân lực
+ Ngăn chặn văn hóa đổ thừa (blame culture)
+ Thúc đẩy sáng tạo
+ Cấu trúc tổ chức và quy định trách nhiệm rõ ràng, phân quyền và quy định trách nhiệm giải trình
+ Gỡ bỏ rào cản chất lượng
+ Xây dựng nhóm hiệu quả
+ Phát triển các cơ chế và hệ thống đánh giá đo lường được thành quả
* Quá trình bảo đảm chất lượng bên trong, cần thực hiện các nội dung sau:
 - Cam kết chất lượng:
Phát triển hệ thống ĐBCL bên trong với mục đính thúc đẩy văn hóa chất lượng: Đồng thuận về “quan điểm” (perspective) về chất lượng; đồng thuận về tầm quan trọng của chất lượng.
Những việc cần thực hiện: Phân tích Tầm nhìn, Sứ mạng, Mục tiêu nhà trường, các giá trị cốt lõi  hình thành và phổ biến quan điểm về chất lượng của trường; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn về chất lượng để tạo đồng thuận và cam kết của toàn trường.
- Lập kế hoạch triển khai
Phát triển chiến lược nhà trường, trong đó có chiến lược thành phần ĐBCL (hoặc lồng ghép ĐBCL vào các chiến lược thành phần khác như đào tạo, NCKH…). Các nội dung khác của chiến lược phát triển nhà trường có liên quan chặt chẽ đến ĐBCL là: tầm nhìn, sứ mạng, mục tiêu chiến lược.
Những công đoạn cần thực hiện: Rà soát chiến lược nhà trường; Soạn thảo chiến lược ĐBCL; Tổ chức, cấu trúc hệ thống ĐBCL bên trong; Chức năng nhiệm vụ của từng thành tố và từng thành viên.
- Phân tích điểm mạnh/yếu
Nhà trường phân tích hiện trạng tìm các điểm mạnh/yếu từ đó đề ra kế hoạch và lộ trình cải tiến.
 Các việc cần làm: Đánh giá chức năng, nhiệm vụ, cấu trúc nhà trường; Rà soát chu trình PDCA ở tất cả phòng ban, tất cả hoạt động (kinh nghiệm thực tế Việt Nam: dùng một chuẩn kiểm định để rà soát); Rà soát các quy trình, quy định, quy chế; Thiết kế (hoặc đánh giá/cải tiến) hệ thống, quy trình và công cụ thu thập thông tin, đánh giá; Thành lập hoặc/và quy định chức năng nhiệm vụ cho Bộ phận đánh giá: Phòng ĐBCL hoặc Đơn vị được giao phụ trách công tác BĐCL.
- Cải tiến
Triển khai và đánh giá các kế hoạch cải tiến.
Các việc cần làm: Đánh giá tiến độ và hiệu quả các cải tiến; Đối với các cải tiến quan trọng, có tác động trên diện rộng cần có kế hoạch quản lý sự thay đổi (change management); Quy định thưởng/phạt; Nhân rộng các bài học thành công.
Nguyên tắc và yêu cầu hệ thống bảo đảm chất lượng trong cơ sở GDNN đã được quy định tại Thông tư số 28/2017/TT-BLĐTBXH: “ i) Tuân thủ các quy định hiện hành, bảo đảm phù hợp với mục tiêu đào tạo và thể hiện được tầm nhìn, sứ mạng, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong từng giai đoạn; ii) Nhấn mạnh vai trò của người quản lý, gắn kết với quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục nghề nghiệp và lấy người học làm trung tâm; iii) Huy động sự tham gia của tất cả cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên và người học; iv) Tiếp cận theo quá trình, đảm bảo tính hệ thống, gắn kết với tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp và ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong quản lý; v) Phù hợp với điều kiện thực tiễn của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, dễ vận hành; liên tục cải tiến, đơn giản hóa các thủ tục bảo đảm chất lượng và đảm bảo khoa học, hiệu quả, tiết kiệm”. Nội dung trên đã cho thấy vai trò, trách nhiệm của các thành viên của nhà trường trong quá trình bảo đảm chất lượng trong đó, nhấn mạnh vai trò của nhà quản lý. Để thực hiện tốt các nguyên tắc, yêu cầu của hệ thống bảo đảm chất lượng đòi hỏi mỗi cán bộ, quản lý, giáo viên, giảng viên cập nhật các kiến thức quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ và quan trọng hơn hết là vận dụng các kiến thức vào thực tiễn tổ chức, quản lý và các hoạt động đào tạo của nhà trường.
“Chất lượng là một hành trình, không phải là một điểm đến”, để sản phẩm đào tạo luôn bảo đảm chất lượng, khẳng định thương hiệu, vị thế của nhà trường, đòi hỏi mỗi cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên và nhân viên trong trường luôn phấn đấu, nỗ lực đổi mới, sáng tạo trong công tác, xây dựng nhà trường ngày càng phát triển, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc./.

ThS Trần Thị Thu Hà - Phó Cục trưởng Cục KĐCL,
Tổng cục GDNN, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Luật Giáo dục nghề nghiệp (2014);
2. Luật Giáo dục (2019);
3. Nghị quyết 29/NQ-TW ngày 04/11/2013 tại Hội nghị TW 8 khóa XII về Đổi mới căn bản toàn diện GD –ĐT;
4. Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng;
5. Nghị định số 49/2018/NĐ-CP ngày 30/3/2018 của Chính phủ quy định về Kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp;
6. Thông tư số 28/2017/TT-BLĐTBXH ngày 15/12/2017 quy định về hệ thống BĐCL của cơ sở GDNN;
7. Quyết định số 1982/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam;
8. Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 15/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ giáo dục nghề nghiệp, giai đoạn 2021 – 2025;
9. Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 4/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
10. Quyết định số 2222/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030;
11. Quyết định số 2239/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045;
12. PGS.TS Lê Quang Minh - Bài giảng tại khóa tập huấn về bảo đảm chất lượng chương trình đào tạo thuộc Dự án VSEP của Canada.