320.000 thí sinh không xét tuyển: Đại học không phải con đường duy nhất

 

1/3 thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đã không đăng ký nguyện vọng vào đại học. Theo các chuyên gia, hiện tượng này là bình thường khi học phí đại học tăng cao và xu hướng học nghề phổ biến.

 

Không vào đại học, chọn học nghề vì học phí đại học quá cao?

Tối 23/8, Bộ GD&ĐT cho biết trong thời gian mở lại hệ thống hỗ trợ thí sinh đăng ký nguyện vọng (từ ngày 22/8 đến 17h ngày 23/8), đã có thêm gần 4.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng và khoảng 75.000 em điều chỉnh nguyện vọng.

Trước đó, thống kê đến thời điểm 17h ngày 20/8 cho thấy có 616.522 thí sinh nhập nguyện vọng trên tổng số 941.759 thí sinh đăng ký xét tuyển trước khi thi tốt nghiệp THPT; có trên 325.000 thí sinh không nhập nguyện vọng lên hệ thống (chiếm 34,6% trên tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển).

Như vậy sau khi đã bổ sung số liệu mới nhất, vẫn còn trên 320.000 thí sinh không nhập nguyện vọng.

Theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, số học sinh không đăng ký nguyện vọng đại học là những người đã lựa chọn đi du học, hoặc không đủ năng lực, thiếu điều kiện tài chính để theo học đại học.

Các nhà giáo dục nghề nghiệp cũng đã dự báo hiện tượng học sinh bỏ đại học để đi học nghề sẽ xảy ra khi hàng loạt trường đại học quyết định tăng học phí ở mức rất cao từ năm học 2022-2023.

Với mức học phí chỉ khoảng 10 triệu đồng/năm cho chương trình học trung cấp/cao đẳng, vài triệu đồng khóa nghề sơ cấp thì hệ thống giáo dục nghề nghiệp đang chiếm ưu thế khá lớn so với mức học phí hàng trăm triệu đồng/khóa khi học đại học.

320.000 thí sinh không xét tuyển: Đại học không phải con đường duy nhất - 1

Học nghề là xu hướng rất phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động hiện nay (Ảnh: Tùng Nguyên).

Em Đinh Tiến Hùng (ngụ Bình Phước) thi tốt nghiệp THPT đạt 24 điểm, đủ đậu vào nhiều trường đại học nhưng lại quyết định nhập học tại trường Trung cấp Việt Giao.

Hùng tâm sự, ban đầu em có đăng ký xét tuyển vào một trường đại học và đã có giấy báo trúng tuyển, nhưng khi cân nhắc thì thấy học phí tăng quá cao (gần 50 triệu đồng/năm) mà chưa chắc ra trường đã có việc làm nên Hùng quyết định đi học trung cấp.

"Cả khóa học em chỉ tốn học phí 20 triệu đồng mà được đảm bảo ra trường là có việc làm thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng", Hùng chia sẻ về quyết định của mình.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện đào tạo và phát triển nhân lực Việt Nam, học nghề là xu hướng rất phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động hiện nay.

Qua công tác tư vấn hướng nghiệp, ông Tuấn thấy hiện có khoảng 20%-30% học sinh tốt nghiệp THCS xong là đi học nghề theo hệ 9+ với rất nhiều ưu thế như thời gian học ngắn, ra trường có việc làm ngay, được ưu đãi học phí… Nhiều em theo học xong THPT cũng không vào đại học mà rẽ hướng sang học nghề vì bài toán kinh tế chứ không phải vì các em học dở mới đi học nghề.

Vào đại học không phải là con đường duy nhất để thành công

Theo ông Trần Anh Tuấn, hiện đại học không còn là con đường duy nhất để thành công như ngày xưa. Học nghề đang chiếm lợi thế khi cử nhân đại học ra trường khó tìm việc làm hơn người học trung cấp, cao đẳng.

Một thời gian dài các phụ huynh đều khuyên con cháu phải ráng học giỏi, vào đại học để làm ông này, bà kia mới gọi là thành công. Nhưng hiện nay, quan niệm xã hội về thước đo thành công đã thay đổi.

320.000 thí sinh không xét tuyển: Đại học không phải con đường duy nhất - 2

Hiện lực lượng lao động kỹ thuật tay nghề cao đang rất thiếu (Ảnh: Tùng Nguyên).

Năm 2015, khi các bạn cùng lứa lựa chọn đi học đại học thì Vũ Hoàng Trinh (SN 1996) đi học nghề bếp ở trường Trung cấp Du lịch - khách sạn Saigontourist. Sau đó, cô đầu bếp trẻ liên tiếp đạt các giải thưởng như giải Nhất nghề Nấu ăn kỳ thi Kỹ năng nghề TPHCM; Huy chương vàng kỳ thi Kỹ năng nghề cấp quốc gia; Huy chương Bạc Kỳ thi tay nghề ASEAN; Chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc Thế giới…

Năm 2022, Vũ Hoàng Trinh đã là bà chủ tiệm bánh Pizza Chin với doanh thu 4-5 triệu đồng/ngày. Tháng 7, Trinh vinh dự được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao danh hiệu Đại sứ Kỹ năng nghề năm 2022.

Trần Thị Minh Thy (SN 1997) học trung cấp ngành Quản trị khách sạn tại trường Trung cấp Việt Giao, tốt nghiệp năm 2018. Sau khi tốt nghiệp, Minh Thy làm việc tại một bệnh viện quốc tế có tiếng ở TPHCM.

Chỉ sau 4 năm đi làm, bằng kỹ năng phục vụ khách hàng được học, cô gái trẻ này trở thành cán bộ phụ trách kinh doanh khách hàng người nước ngoài tại Việt Nam của bệnh viện, gia nhập câu lạc bộ những cựu sinh viên lãnh lương ngàn USD của trường Trung cấp Việt Giao.

320.000 thí sinh không xét tuyển: Đại học không phải con đường duy nhất - 3

Trần Thị Minh Thy học trung cấp ngành Quản trị khách sạn, đạt mức lương hơn 1.000USD ở tuổi đôi mươi (Ảnh: NVCC).

Khác với Minh Thy, anh Nguyễn Sỹ Hiền chọn học đại học ngành kế toán của một trường đại học lớn ở TPHCM. Sau khi ra trường, Hiền có công việc ổn định tại một doanh nghiệp lớn với thu nhập khá cao.

Nhưng sau vài năm làm công việc văn phòng không mang lại hứng thú cho mình, năm 30 tuổi, Hiền quyết định "cất" bằng cử nhân đi học nghề làm bánh theo đúng sở thích. Sau đó, chàng đầu bếp có bằng cử nhân này mở hệ thống bánh Hiền Nguyễn Bakery ở quê nhà với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Khi được hỏi "có ngượng ngùng lúc gặp lại bạn bè cùng lứa theo con đường đại học, nay làm ông này bà kia hay không", Đại sứ nghề Vũ Hoàng Trinh cho hay: "Chưa chắc các bạn ấy thành công, có thu nhập cao bằng em và vui vẻ với công việc mình yêu thích như em!".

Nhân lực chất lượng cao không nhất thiết phải có bằng cấp cao

Với hơn 20 năm nghiên cứu trong lĩnh vực nhân lực, ông Trần Anh Tuấn đánh giá thị trường hiện nay đòi hỏi người lao động phải được đào tạo chuyên nghiệp, đạt chất lượng cao mới có thể cạnh tranh vị trí việc làm, đi đến thành công nghề nghiệp.

Tuy nhiên, ông cho rằng, nhiều người đang hiểu sai giữa bằng cấp và giá trị hành nghề. Bằng cấp là một yếu tố quyết định thành công nhưng không phải là quan trọng nhất. Yếu tố quyết định thành công trong thị trường lao động là phải chuyển hóa được những gì mình học thành kỹ năng nghề nghiệp, làm tốt công việc thực tế.

320.000 thí sinh không xét tuyển: Đại học không phải con đường duy nhất - 4

Ông Trần Anh Tuấn: "Khi gia nhập thị trường lao động, chất lượng nhân lực thể hiện ở giá trị hành nghề, hiệu quả làm việc thực tế".

Thạc sĩ Trần Phương, Hiệu trưởng trường Trung cấp Việt Giao thì nói thẳng: "Nhân lực chất lượng cao không có nghĩa là phải có bằng cấp cao".

"Nếu nói người có bằng cấp cao mới là nhân lực chất lượng cao thì không lẽ thợ tay nghề giỏi không phải là nhân lực chất lượng cao? Trong khi trong nghề của họ, không mấy ai giỏi bằng. Theo tôi, nhân lực chất lượng cao hay không được đánh giá bằng 3 yếu tố: kỹ năng chuyên môn, thái độ làm việc và hiệu quả công việc", ông Phương chia sẻ.

Theo Hiệu trưởng trường Trung cấp Việt Giao, kỹ năng chuyên môn bao giờ cũng là yếu tố đầu tiên để đánh giá lao động có đạt yêu cầu nghề nghiệp hay không, người càng giỏi kỹ năng nghề nghiệp thì càng nhanh tiếp cận công việc.

Thứ hai, trong xu hướng làm việc tập thể như hiện nay thì thái độ, tác phong làm việc với hệ thống các kỹ năng mềm được các doanh nghiệp đánh giá rất cao, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài.

Thứ ba, chỉ những lao động biết kết hợp tốt giữa kỹ năng chuyên môn với các kỹ năng mềm, thái độ làm việc tốt và đạt được hiệu quả công việc cao, tạo giá trị thực tế cho doanh nghiệp và xã hội mới được đánh giá là nhân lực chất lượng cao.

320.000 thí sinh không xét tuyển: Đại học không phải con đường duy nhất - 5

Thạc sĩ Trần Phương: "Nhân lực chất lượng cao không có nghĩa là phải có bằng cấp cao" (Ảnh: Hải Long).

Theo ông Trần Anh Tuấn, dù học cấp bậc nào thì tất cả mọi người đều phải bước vào thị trường lao động. Khi đó, tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá năng lực là giá trị nghề nghiệp, giá trị hành nghề chứ không phải là bằng cấp.

Tùng Nguyên
Báo Dân trí