[VOV2] - Thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025, dự kiến Tổng cục giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) sẽ xây dựng, ban hành bộ tiêu chuẩn trường học số, hạ tầng số, phòng thực hành số, giáo trình số...

Ngày 13/12, Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện Quyết định 2222/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đánh giá của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, mặc dù gặp nhiều khó khăn như tác động của Covid-19; nguồn lực hạn chế… nhưng sau 2 năm triển khai quyết định 2222 của Thủ tướng Chính phủ, chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đạt được nhiều kết quả quan trọng ở cả phương diện phát triển năng lực số cho nhà giáo, đổi mới và phát triển chương trình đào tạo, hạ tầng và học liệu số đến quản lý, quản trị số.

Đáng chú ý, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống đào tạo trực tuyến, nền tảng quản trị số, nền tảng tài nguyên Giáo dục mở, hệ thống thực tế ảo, nền tảng số hỗ trợ hoạt động Hội đồng Tư vấn Nghề... tại nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Sẽ xây dựng bộ tiêu chuẩn trường học số trong giáo dục nghề nghiệp

Trong 3 năm ứng phó với đại dịch Covid-19, các hoạt động quản lý, tập huấn, giảng dạy đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ yếu được triển khai thực hiện trên môi trường số qua các ứng dụng trực tuyến.. Một số trường đang phát triển nền tảng học liệu số theo nguyên tắc kết hợp học liệu mở với xây dựng thị trường trao đổi học liệu.

Ngoài ra, phần mềm dịch vụ công trực tuyến trong giáo dục nghề nghiệp, phần mềm cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2022; Hệ thống tài nguyên học liệu mở đang được triển khai tại 11 cơ sở giáo dục nghề nghiệp bước đầu tạo nền tảng học liệu mở và chia sẻ tài nguyên giữa các cơ sở đào tạo nghề.

Đặc biệt, nền tảng học tập trực tuyến congdanso.edu.vn triển khai thí điểm tại 4 tỉnh (Thái Nguyên, Qảng Nam, Đồng Nai, Bình Dương) nhận được sự quan tâm phản hồi tích cực từ người học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Nền tảng được đẩy mạnh đến người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (1.768 công nhân tại 4 tỉnh) nhằm nâng cao nhận thức và hỗ trợ phát triển kỹ năng số cơ bản.

Liên quan đến phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, ông Kim Hồng Hưng, Phó Chánh văn phòng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, trong thời gian qua, các nhà giáo và quản bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp đã được đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng số thông qua các khóa học và lồng ghép trong các chương trình đào tạo như nghiệp vụ sư phạm, cán bộ quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.

TS. Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH)

Phát biểu tại hội nghị, TS. Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhấn mạnh, chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp được xem là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng dạy và học trong đào tạo nghề.

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy và học, kiểm tra, đánh giá giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý, mở rộng phương thức cũng như cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp tạo đột phá về chất lượng, tăng nhanh số lượng đào tạo góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

"Đừng xem chuyển đổi số ở đâu xa mà chuyển đổi số là ứng dụng những việc đã làm được trong quá trình đào tạo, quản lý... phát hiện ra những bất cập trong thực tế và tận dụng công nghệ để giải quyết".

Ông Bình nhấn mạnh, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp cần lưu ý đến đổi mới chương trình đào tạo, trong đó có chương trình Tin học; nâng cao năng lực số cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp; số hóa chương trình bồi dưỡng, tập huấn; Kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa hệ thống giáo dục nghề nghiệp với hệ thống giáo dục phổ thông...

Phòng học công nghệ 4.0 của một cơ sở Giáo dục nghề nghiệp (Ảnh minh họa: Anh Tuấn/TTXVN)

Tiếp tục thực hiện quyết định 2222 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, dự kiến trong thời gian tới, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Trong đó sẽ xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn về trường học số, hạ tầng số, phòng thực hành số, giáo trình số, chương trình đào tạo số, ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường, thực tế hỗn hợp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao, các ngành nghề chuyên về công nghệ thông tin, công nghệ số phục vụ phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Nâng cấp Trung tâm dữ liệu giáo dục nghề nghiệp và hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu về kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống dữ liệu quốc gia về việc làm, an sinh xã hội, giáo dục đào tạo... Đầu tư xây dựng nền tảng học liệu số toàn ngành giáo dục nghề nghiệp theo nguyên tắc kết hợp học liệu mở với xây dựng thị trường trao đổi học liệu.

Ưu tiên đầu tư, phát triển các học liệu số theo hướng ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường và thực tế hỗn hợp...

Theo vov2.vov.vn